CHIA SẺ
Năm 2021 được coi dấu mốc quan trọng khi các loại trái cây như vải, nhãn tươi được xuất khẩu trực tiếp sang các nước Tây Âu như Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Anh bởi các Công ty Việt Nam sau khi được hỗ trợ kết nối, giới thiệu với các công ty nhập khẩu.
Hiện tại, nhiều nông sản Việt rất được các doanh nghiệp sở tại quan tâm và có nhu cầu nhập khẩu để phân phối tại châu Âu. Điển hình như câu chuyện về những chai nước dừa tươi nguyên chất đóng hộp Cocoxim của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) được công ty startup South Export Alliance (SEA) của Bỉ nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam và phân phối tại Bỉ, Pháp, Cộng hòa Czech (Séc).
Nước dừa Bến Tre là đam mê của anh François Colonval. Cách đây 6 năm, khi còn làm việc cho một công ty Bỉ, François được công ty cử đi công tác ở Việt Nam. Đây cũng là lần đầu anh được biết vị nước dừa tươi, uống trực tiếp từ quả dừa Bến Tre. “Hai tháng ở Việt Nam, tôi thường uống nước dừa. Một người bạn nói với tôi, có nên nhập nước dừa về bán ở châu Âu hay không? Thế là tôi lập công ty, chỉ để nhập khẩu nước dừa Việt Nam,” anh François Colonval – Tổng Giám đốc công ty nhập khẩu nông sản SEA (Bỉ) nói.
Những ngày đầu tháng 8 này, tại kho ngoại quan ở tỉnh Louvière (Bỉ), anh François Colonval vừa hoàn tất thủ tục hải quan cho lô hàng mới nhập từ Việt Nam. Đến nay, cứ vài tháng, công ty lại nhập từ Betrimex một container 20ft sản phẩm (25 tấn). SEA trở thành nhà phân phối độc quyền nước dừa Cocoxim cho toàn bộ các nhà hàng châu Á và một số siêu thị ở Bỉ, bán buôn sang Pháp và Cộng hòa Czech.
Thành lập South Export Alliance năm 2016, François một mình tìm kiếm khách hàng từ những nhà hàng Việt và châu Á để giới thiệu sản phẩm. Ban đầu, anh chỉ nhập vài pallet nước dừa Cocoxim, nhưng sản phẩm mau chóng được khách hàng đón nhận và tiêu thụ mạnh, đặc biệt vào dịp Hè. Một năm sau đó, François khoe anh đã bán ra được gần 60.000 hộp nước dừa.
Món đồ uống thiên nhiên từ Việt Nam tăng trưởng dần trên thị trường châu Âu nhờ nương được vào xu hướng ở châu Âu từ mấy năm nay – tiêu dùng thực phẩm lành mạnh, không thêm đường, không phụ gia hoá chất. Anh François Colonval cho biết: “Tôi nhập nước dừa của công ty Betrimex 6 năm nay và ngày càng mở rộng sản phẩm này trên thị trường Bỉ. Cocoxim Việt Nam đang dần trở thành thương hiệu nước dừa được ưa thích trong các siêu thị và nhà hàng châu Á ở đây”.
Hiện nay, ở Brusels, các sản phẩm nước dừa Cocoxim đã có mặt ở những nơi người Việt thường xuyên lui tới như siêu thị Kam Yuen, Tinie’s; nhà hàng PhoPho, Hanoi Station, L’Apocalypse, Yakitori… Nước dừa nhập trực tiếp từ Bến Tre còn xuất hiện ở các siêu thị và nhà hàng ở Leuven, Liège, Mons…
Công ty của anh François Colonval cũng nhập thử từ Việt Nam sữa dừa cho các nhà hàng Thái, dầu dừa cho các hiệu làm tóc. Nhưng nước dừa tươi nguyên chất Bến Tre vẫn là mặt hàng chủ lực cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng và quán bar tại Bỉ. Hiệp định Thương mại tự do đang mở ra nhiều cơ hội mới. Sau nước dừa, François đã nhập thêm từ Việt Nam bún gạo, bánh tráng, nước tương, nước mắm và bia Sài Gòn… Anh François Colonval dự tính năm sau sẽ tuyển thêm nhân lực, nhằm mở rộng quy mô nhập khẩu nông sản Việt Nam sang châu Âu.
Để giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận tốt hơn thị trường EU, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ hiện cũng đang kết nối Tập đoàn Vinamit với Công ty MCE tại Hà Lan, hai bên đã thống nhất ký đối tác hợp tác nhập khẩu các sản phẩm mít, trái cây, rau củ chế biến sang EU. Hiện Vinammit đã hoàn thiện việc gửi mẫu sang Hà Lan, đồng thời, công ty MCE đã tiến hành việc làm với các cơ quan chức năng tại Hà Lan để hoàn thành việc kiểm tra các chỉ tiêu và gửi tới các siêu thị để chào hàng.
Thương vụ cũng đang xúc tiến trao đổi với Công ty Natural tại Bỉ để nhập khẩu các loại nông sản sản hữu cơ phân phối cho mạng lưới 600 cửa hàng chuyên kinh doanh hữu cơ tại Bỉ, Luxembourg và các vùng phía Bắc của Pháp. Trong thời gian tới, Thương vụ cũng sẽ tổ chức xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số đối với các mặt hàng nông sản. Dự kiến đề xuất hợp tác đưa Bỉ thành một điểm trung chuyển trong chuỗi thương mại điện tử của Việt Nam.
Nguồn: vneconomy